Du Xuân - Phố Sài Gòn Nhỏ






Ngày 26 Tết, khu phố Sài Gòn Nhỏ - Little Saigon - ở thành phố Westminster, miền Nam California đang nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày Tết Mậu Tuất. Năm nay mùng một Tết rơi vào ngày thứ sáu 16 tháng 2 năm 2018. Mọi người đều vui vì hai ngày cuối tuần rất thuận tiện để họp mặt gia đình, bạn hữu. Theo lịch Mỹ thì tháng hai mới là giữa mùa Đông, nhưng theo lịch ta thì ngày Tết là ngày đầu của mùa Xuân. Có điều rất thú vị là hoa lá, và cây cối có vẻ đồng ý với lịch ta hơn. Cứ ghé đến chợ hoa ở trên đường Bolsa, góc đường Saigon, trước cửa khu Phước Lộc Thọ (đường này trước đây mang tên khác, chỉ mới được mang tên Saigon sau này, những ai chưa có dịp đến phố Bolsa hay đã lâu chưa trở lại thì sẽ rất cảm động khi nhìn thấy tên đường Saigon thân yêu ngày xưa ở khu phố Sài Gòn Nhỏ, miền Nam California lần đầu.) Nơi đây có đầy đủ hoa mai, hoa đào, hoa lan, hoa cúc và biết bao loại hoa khác nữa đang nở rộ, khoe hương, khoe sắc để cùng với mùa Xuân trở về mừng năm mới.

Tết năm nay, đại gia đình của chúng tôi gồm có các anh chị em và các con, các cháu sẽ họp mặt ở nhà của chúng tôi. Ngày tháng cứ trôi qua như tên bay, thoáng một cái mà đã lại chuẩn bị để đón mùa Xuân thứ 42 trên xứ người. Chúng tôi ở miền Nam California, nơi có “Thủ Đô Của Người Việt Tị Nạn” và có khu phố “Sài Gòn Nhỏ”, hay còn được gọi là "phố Bolsa", với đường phố mang tên Saigon và rất nhiều hàng quán của người Việt. Đến nơi đây chúng ta sẽ có cảm giác giống như mình đang ở tại quê nhà, được nói tiếng Việt thoải mái, được ăn những món ăn Việt mà ở những tiểu bang khác chắc không dễ dàng tìm thấy.

Chúng tôi ở cách phố Sài Gòn Nhỏ khoảng hơn nửa giờ lái xe. Nếu hôm nào bị kẹt xe trên xa lộ thì có khi mất đến cả một tiếng đồng hồ. Vì ở hơi xa nên thông thường thì cũng khoảng hai tuần hay một tháng mới “từ quê lên tỉnh” một lần. Lần nào cũng thế, đến phố Sài Gòn Nhỏ, việc đầu tiên là chạy đến tiệm Phở 79, ông bà ta đã nói “Có thực mới vực được đạo”, còn anh nhà tôi thì tuyên bố là " Anh có thể ăn phở mỗi ngày mà không chán"! Chỉ thỉnh thoảng đến nhằm lúc tiệm quá đông khách đang chờ, phải ghi tên vào một danh sách, đợi đến phiên mình, và nhất là hôm nào không có nhiều thì giờ, thì mới đi ăn ở tiệm khác.

Hôm nay thì đặc biệt hơn, chạy đến nơi thì thấy bãi đậu xe trống trơn, hai vợ chồng nhìn nhau rồi cùng phì cười vì lần đầu tiên nhìn thấy cảnh này. "Ủa, hôm nay là chủ nhật mà, và thường thì tiệm này đâu có nghỉ ngày nào, chỉ đóng cửa sớm vào thứ tư thôi mà?" Vòng xe lại đậu ngay trước cửa để đọc cái thông báo được dán ở đó. Thì ra tiệm phở đóng cửa hai tuần, chắc là nhà chủ quán đã rủ nhau “về quê ăn Tết” cả rồi. Vậy thì chạy qua tiệm khác thôi. Sau khi chạy đến hai tiệm khác, cứ chạy vòng quanh bãi đậu xe mà tìm không ra chỗ đậu xe. Quanh co chạy tới, chạy lui hơn nửa giờ, chúng tôi mới quyết định ghé đại vào một quán phở hiện đang còn chỗ để đậu xe, quả là “Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng” hay theo lời của anh nhà tôi thì “Ăn một bát phở, chạy nửa bình xăng.” Cuộc sống ở nơi “phồn hoa đô hội” là thế đấy, bây giờ mới thấy mấy câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm quả là chí lý:

"Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
 Người khôn, người đến chốn lao xao"

Ngày xưa, ông Nguyễn Tuân có một bài tùy bút “Phở” rất nổi danh. Bài tùy bút diễn tả các yếu tố cần thiết để được xem là một bát phở ngon. Thế nhưng ông quên hai điều, đó là trong lòng đang vui (vì không khí Tết) và bụng thì trống rỗng (vì đói). Bởi vậy bát phở dù hơi mặn, miếng thịt tái hơi dai, cũng đã được đưa vào hai cái bụng đang "xẹp lép" với lời an ủi "có còn hơn không!"

Chuyện “thực” đã xong, bây giờ thì mới lo đến việc “vực đạo”. Trước hết là phải ghé mấy tiệm để đặt làm vài món ăn Việt Nam cho buổi họp mặt gia đình ngày Tết. Bánh chưng, bánh tét thì đã có cô em đặt mua dùm rồi. Dù xa quê hương đã hơn 40 năm, nhưng cái tập quán của ông bà để lại vẫn được chúng tôi giữ gìn cẩn thận, như dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp - may quá, ngày xưa còn phải quét vôi ăn Tết thì cực biết bao nhiêu - ra nhà băng đổi ít tiền mới để làm tiền mừng tuổi, và nhất là trong tủ lạnh phải đầy ắp thức ăn, trên bàn phải đầy tràn hoa quả, để tìm lại chút không khí Tết như ngày xưa.

Việc quan trọng nhất đã xong, bây giờ đến mục thứ nhì của cuộc “du Xuân” này, là đi xem triển lãm hoa lan của Hội Hoa Lan ở Orange County - Quận Cam. Năm nay, vào hai ngày cuối tuần, ngày 10 và 11 tháng 2, tức là ngày 25 và 26 tháng Chạp, đã có cuộc triển lãm hoa lan ở Westminster Mall, gần đường Bolsa và Goldenwest, chỉ cách khu Phước Lộc Thọ chưa đến 3 dặm, lái xe thường chỉ mất khoảng 6 phút.

Chẳng hiểu hôm nay “xuất hành” vào giờ gì mà đi đâu cũng kẹt xe và lạc đường. Chạy tới, chạy lui một hồi mới tìm thấy cái bảng tên của Westminster Mall nằm thấp lè tè ở lối vào khác hẳn với các khu thương mại khác, có bảng tên đặt trên cao và các tòa nhà cao lớn dễ nhận ra. Đảo một vòng tìm chỗ đậu xe, thở ra thoải mái.

Vào trong Mall, thì thấy ngay mấy gian hàng hoa lan. Ít ra thì cũng may hơn lúc nãy, chẳng phải chạy quanh tìm kiếm. Đã hơn 4 giờ chiều nhưng hầu hết những gian hàng trưng bày hoa lan vẫn còn tưng bừng đón khách. Mọi người qua lại tấp nập và có rất nhiều người với vẻ mặt hân hoan, trên tay ôm một chậu hoa lan mới mua. Giá cả thì từ vài chục cho đến vài trăm. Một chậu lan không hiểu quý hiếm như thế nào mà đề giá hơn 600 dollars! Người bán, kẻ mua, Mỹ có, Việt có - vợ Mỹ chồng Việt, hay vợ Việt chồng Mỹ - vui vẻ đề huề, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chúc nhau “Happy New Year…” Hoa đẹp, người vui, cảnh tình hòa hợp khiến khung cảnh mang đầy hương vị ngày Tết, hay ít ra cũng giống như là một ngày hội Xuân.

Dưới đây là hình ảnh của một vài loại hoa lan đã được trưng bày ở Westminster Mall.



Hoa lan thường chỉ lạ và đẹp, thế nhưng khi thoáng thấy có vài chậu lan được ghi chú là “Fragrant Orchid - Hương Lan” thì cũng lạ, muốn ngửi thử nhưng chậu lan thì xa mà người thì đông, nên không tiện. Về nhà, tìm trên Google, thì ra cũng có khá nhiều loại lan có mùi thơm thuộc giống Gymnadenia conopsea. Năm 1753, nhà thực vật học Thụy Điển Carl von Linné (1707-1778) là người đầu tiên đặt tên cho giống lan này là Orchis conopsea. Sau đó đến năm 1813, nhà thực vật học người Anh là Robert Brown (1773-1858) đặt tên lại là Gymnadenia conopsea, và tên này được dùng cho đến ngày nay.

Những loại hoa lan này có vẻ hiếm, ít thấy, vì vậy nên giá cả cũng không được nhẹ nhàng 

Thú chơi lan là một thú tiêu khiển thanh tao nên đã có nhiều người theo đuổi và cùng họp nhau lại thành hội, rồi lần hồi cũng trở nên có ít nhiều tính cách thương mại, không những chỉ triển lãm mà còn buôn bán nữa.

Muốn chơi lan phải học hỏi rất nhiều thì mới biết cách chăm sóc cho lan ra hoa, chứ không thì sẽ chỉ thấy lá mà thôi.


Khách đi ngắm hoa bao giờ cũng nhiều, nhưng không mấy người thành công trong việc trồng hoa lan


Những đóa hoa tươi thắm luôn luôn nở đúng vào dịp Tết, là phần thưởng cho người chơi lan


Ngắm hoa, cảm phục công lao của người đã chăm bón cho cây, cũng như "ăn quả nhớ kẻ trồng cây"


Loại hoa này chắc là dễ trồng hơn vì thấy bán ở nhiều nơi


Giống hoa lan này trông có vẻ ẻo lả và e thẹn như các cô thiếu nữ vừa mới lớn


Những cánh hoa này nhìn có vẻ rực rỡ giống như những nàng "vũ nữ thân gầy"


Những gian hàng trưng bày hoa lan ở trong khu thương mại Westminster Mall

Theo như anh nhà tôi cho biết thì hoa lan ở đây hầu hết là lan đất, mọc ở dưới đất, chứ không giống như Phong Lan ở Đà Lạt, là loại tầm gửi, mọc bám lên thân những cây thông cao gấp ba, bốn lần chiều cao của người lớn. Bởi vậy nhìn thấy một giò lan đẹp trên cây mà đôi khi cao quá cũng chẳng biết làm sao mà lấy xuống, vì lan bám rễ vào thân cây thông, nên phải tìm cách bóc cả vỏ cây chứ nếu không thì đứt hết rễ. Có lẽ vì thế nên lan trên rừng thì nhiều mà ngoài chợ Đà Lạt, hoa lan vẫn bán được giá.

Ở giữa khu thương mại Westminster Mall, trước cửa tiệm bán quần áo tên Macy's, nhân dịp Tết Mậu Tuất, ban tổ chức "Ngày Văn Hóa" đã dựng nên một sân khấu để trình diễn văn nghệ và múa lân, làm cho khung cảnh lại càng có vẻ là một ngày hội Xuân. Lúc chúng tôi đến đó thì xem được vài màn múa hát của các em thiếu nhi, từ vũ điệu của Hawaii cho đến các vũ điệu với áo tứ thân nhiều màu sắc rực rỡ, vui mắt. Xem chương trình văn nghệ giúp vui thì thấy có sự cộng tác của những sắc dân khác như Nhật, Ấn Độ và Mễ Tây Cơ (Mexico)

 Vũ điệu của dân Hawaii


Vũ điệu của dân Mexico(?)



Vũ điệu Thương Ca Tiếng Việt với đoàn vũ Việt Cầm

Đang mải mê chụp hình hoa lan, chợt nghe văng vẳng tiếng hát của bài Thương Ca Tiếng Việt, tưởng là cô bé Ju Uyên Nhi và Kyo york đang trình diễn trên sân khấu. Chạy vội đến đó thì mới biết là các em trong đoàn vũ Việt Cầm đang trình diễn một điệu vũ dựa theo bài hát đó. Nhìn thấy các em múa hát và xúng xính trong những chiếc áo dài - áo the - dễ thương quá, vội lấy cell phone để ghi lại, nhưng vì đứng khá xa sân khấu nên hình ảnh và tiếng hát không được rõ lắm.



 Tiếng Việt còn trong mọi người 
 Hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn 
 Giữ tiếng Việt cho nối đời 
 Lời quê hương ấy lời sắt son. 

Bốn câu cuối của bài hát Thương Ca Tiếng Việt nghe cảm động quá, nhất là lại được hát bởi một cô bé mang hai dòng máu Việt - Đại Hàn và một người Mỹ chính gốc. Bài hát này tôi đã có dịp nghe qua trên YouTube, nhân dịp này đem vào đây để cùng chia xẻ với mọi người.

Đến khoảng 6 giờ chiều thì dù chương trình văn nghệ vẫn còn đang tiếp tục với những màn tiếp theo như màn đánh trống - Taiko Drummers - của Nhật, nhưng chúng tôi đành phải ra về vì mục kế tiếp là phải ghé đi chợ và có thể, biết đâu, ghé xem chợ đêm ở khu Phước Lộc Thọ nữa không chừng... 
 


Những Nơi Đã Đến